Đức Phật Ngài dạy rằng: “Một người Phật tử tự nhận mình là cư sĩ đi nữa nhưng mà mắc vào 5 điều này, nói hơi nặng là bị xem là đồ vất đi trong giáo pháp này”.

1. Người cư sĩ không có chánh tín (Assaddho hoti).

– Chánh tín thứ nhất: Bữa hổm tôi nói rồi, chuyện đầu tiên có chánh tín là mình biết chắc, nhận thức đầy đủ rõ ràng về nghiệp lý. Nói theo dân A-tỳ-đàm thì cái này êm lắm, nhưng mà đa phần trong room này là không biết A-tỳ-đàm là cái gì cho nên tôi chỉ nói nhẹ vậy thôi. Tức là tin rằng không có một suy nghĩ, câu nói, hành động lớn nhỏ nào mà không để lại hậu quả tốt xấu. Ta phải chịu trách nhiệm trọn vẹn những gì mình nói, làm và suy tư. 

– Chánh tín thứ hai: Mình tin rằng mọi thứ ở đời này do các duyên, các điều kiện mà có, rồi cái gì đã có phải mất đi. Mình phải tin như vậy, phải tin điều đó. Không có gì ngẫu nhiên mà có, không có cái gì được tạo ra bởi một đấng Chí Tôn nào đó mà tất cả là do các duyên tạo ra, mà đã có là phải mất đi. 

– Chánh tín thứ ba: Mình tin rằng kẻ nào hiểu được hai điều đầu một cách rốt ráo thì kẻ đó là bậc thánh, kẻ đó không còn đau khổ nữa, không còn sanh tử nữa. Nhớ nha, tin 2 cái điều đầu là phải có cái điều thứ ba nữa là người nào mà “hiểu rốt ráo”. Gạch dưới bằng mực đỏ hai cái chữ “rốt ráo” hai cái điều đầu tiên thì kẻ đó chắc chắn là thánh nhân không còn sanh tử nữa.

– Chánh tín thứ tư: Mình tin rằng đời sống chánh niệm mới là con đường hạnh phúc hiện tiền. 

=> Đây là 4 điều, tức là bốn niềm tin về Khổ – Tập – Diệt – Đạo, bốn cái niềm tin này là chánh tín. Không biết trong room này đó giờ có được nghe định nghĩa như vậy chưa, chứ mà nói Phật tử phải có đức tin trong sạch thì bà cố tui cũng không biết trong sạch là sao, thì hôm nay tôi mới giải thích cái trong sạch là vậy đó. Đức tin của Phật tử là mình phải nói đến chánh tín chứ tin không chưa có đủ. Chánh tín là tin nghiệp lý, tin tam tướng, tin vào con đường giải thoát, tin vào sự có mặt của thánh nhân, tin vào tác dụng hiệu quả ý nghĩa của đời sống chánh niệm. Người Phật tử mà không có được 4 chánh tín này thì không gọi là có niềm tin.

2. Ác giới (dussīlo hoti): Người Phật tử không có được tối thiểu 5 giới như nãy giờ tôi vừa giảng thì người cư sĩ đó cũng không xài được.

3. Người cư sĩ mê tín dị đoan (kotūhalamaṅgaliko hoti, maṅgalaṃ pacceti no kammaṃ).

Kotūhalamaṅgaliko là mê tín dị đoan, nghĩa là không tin vào nghiệp báo. Vì không tin nên không có được cái điều thứ nhất cho nên nó mới lòi ra cái điều thứ ba này là mê tín dị đoan. Tức là không có đặt vấn đề nghiệp báo mà chỉ đi cúng bái tầm bậy tầm bạ, tối ngày nằm chiêm bao thấy cái gì. Rồi thấy cái điềm, lá rụng, cây gãy, phong thuỷ, tử vi tử bình gì tùm lùm tà la đó. Mấy cái đó là mê tín dị đoan.

Nói ra thì bà con nhột bà con bị sốc nhưng cũng phải nói thiệt, không biết bao nhiêu người tự nhận mình là Phật tử, thậm chí là Phật tử Nam Tông mà bị dính đầy mấy điều này. Có thể không dính hết cả 5 nhưng mà cứ lai rai người điều 1, người điều 2, người điều 3 vậy đó. Tức là Phật tử mà đi tin tùm lum. Thí dụ như xuất hành đầu năm là đi đến nhà nào, mỗi sáng đi làm là mặc đồ màu gì, màu đỏ là hên. Rồi cái bóp, cái móc khoá này là hên lắm, từ hồi có nó thấy hên dữ lắm, tin lắc nhắc lắc nhắc. Ở trước nhà có cây cam cây mận bị téc nhánh cũng lo, tối chiêm bao thấy cái này cái nọ cũng lo. Rồi chim cú kêu trước nhà, quạ đậu cột điện trước sân cũng sợ, thí dụ như vậy. Thì cái đó gọi là mê tín dị đoan. 

4. Đi kiếm tìm cái điểm tựa, chỗ dựa tinh thần ngoài Phật pháp (ito ca bahiddhā dakkhiṇeyyaṃ gavesati).

5. Dốc lòng dành sự ưu tiên cho ngoại đạo không có kể đến Tam Bảo, xếp Tam Bảo vào vị trí hàng thứ (tattha ca pubbakāraṃ karoti).

=> Năm cái điều này cộng lại được gọi là năm điều cấu uế khiến cho người cư sĩ bị xem là vất đi. 

Trích KTC 175 – Kẻ Bị Vất Bỏ. 5. Caṇḍālasuttaṃ.
Sư Giác Nguyên giảng
Kalama tri ân bạn phamquynhnhu1989 ghi chép.